MỖI THÁNG, HƠN 7.000 LAO ĐỘNG VIỆT NAM SANG LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN
Tính đến cuối tháng 8 năm nay, bình quân mỗi tháng có hơn 7.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Dự kiến hết năm 2023, số thực tập sinh, lao động nước ta đi làm việc tại thị trường này đạt khoảng 75.000-80.000 người.
Ngày 25/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan tiếp ông Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng một số nghiệp đoàn quản lý của Nhật Bản.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, Thứ trưởng và ông Ishii Chikahisa thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về vấn đề đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Điều đó đã nói lên hai bên rất quan tâm về hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước.
Gửi lời cảm ơn tới Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã dành thời gian tiếp đón đoàn, ông Ishii Chikahisacho biết, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành rà soát lại chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định, sao cho hoạt động này tốt hơn, hiệu quả hơn. Trước khi trình Quốc hội Nhật Bản thẩm tra, thông qua, các bộ, ngành sẽ cho ý kiến và có dự thảo chính thức. Do đó, tại buổi làm việc, ông Ishii Chikahisa và các nghiệp đoàn quản lý của Nhật Bản mong muốn được lắng nghe ý kiến tham vấn từ phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi chương trình thực tập sinh nước ngoài của Nhật Bản.
Trước đề xuất của phía Nhật Bản, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, đến thời điểm này, các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khá đầy đủ.
Cụ thể như: Quốc hội đã ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật cũng đã được ban hành. Trong đó, quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp phái cử, điều kiện hợp đồng cung ứng, các khoản thu của doanh nghiệp phái cử đối với người lao động theo hướng giảm chi phí trước khi đi cho người lao động, tăng điều kiện đối với doanh nghiệp phái cử.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, trong 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 35.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Tính đến cuối tháng 8, bình quân mỗi tháng có hơn 7.000 lao động sang làm việc tại nước này. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Hiện có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản. Con số này chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại quốc gia này. Dự kiến hết năm 2023, số thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 75.000- 80.000 lao động, vượt con số 68.000 lao động của năm 2022.
“Mặc dù số lượng không ngừng tăng, nhưng người lao động Việt Nam đang có tâm lý e ngại do đồng yên Nhật thời gian qua bị mất giá đáng kể khiến cho thu nhập thực tế của lao động tại Nhật Bản giảm nhiều, dẫn đến người lao động băn khoăn khi lựa chọn làm việc tại thị trường Nhật Bản hay thị trường lao động khác” – Thứ trưởng chia sẻ.
TRONG 15 NƯỚC PHÁI CỬ THỰC TẬP SINH SANG NHẬT BẢN, VIỆT NAM LÀ NƯỚC ĐỨNG ĐẦU CẢ VỀ SỐ LƯỢNG THỰC TẬP SINH NHẬP CẢNH HẰNG NĂM VÀO NHẬT BẢN VÀ SỐ LƯỢNG THỰC TẬP SINH ĐANG THỰC TẬP TẠI NHẬT BẢN.
HIỆN CÓ HƠN 200.000 THỰC TẬP SINH VIỆT NAM ĐANG THỰC TẬP TẠI NHẬT BẢN. CON SỐ NÀY CHIẾM KHOẢNG 50% TỔNG SỐ THỰC TẬP SINH NƯỚC NGOÀI TẠI QUỐC GIA NÀY.
DỰ KIẾN HẾT NĂM 2023, SỐ THỰC TẬP SINH, LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN LÀ 75.000- 80.000 LAO ĐỘNG, VƯỢT CON SỐ 68.000 LAO ĐỘNG CỦA NĂM 2022.
Thông tin thêm về chương trình lao động kỹ năng đặc định, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, hiện có khoảng 80.000 lao động đặc định Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, chiếm 58,7% tổng số lao động đặc định nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó thực tập sinh kỹ năng chuyển sang chiếm 81%. Hai bên đã thống nhất sớm tổ chức kỳ thi đặc định tại Việt Nam. Hiện tại, các bộ, ngành Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch để thống nhất với phía Việt Nam.
Liên quan đến đề xuất vào xây dựng, sửa đổi chương trình thực tập sinh mới và chương trình kỹ năng đặc định để phía Nhật Bản tham khảo trong quá trình hoàn thiện chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan kiến nghị, đề xuất một số nội dung. Đó là: Tạo điều kiện cho người lao động được thay đổi công việc trong cùng một lĩnh vực, do với quy định hiện nay những người trong chương trình thực tập sinh nước ngoài không thể chuyển sang nơi làm việc khác; Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt, mức thu nhập của lao động, thực tập sinh Việt Nam như đang áp dụng đối với người lao động Nhật Bản cùng trình độ; Miễn hoặc giảm thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam; Có biện pháp xử lý nghiêm đối với chủ sử dụng lao động có hành vi bạo hành, không trả lương đối với lao động, thực tập sinh Việt Nam hoặc tiếp nhận lao động bất hợp pháp của Việt Nam…
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc phái cử, tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có nhiều giải pháp.
Cụ thể là: Yêu cầu các doanh nghiệp phái cử nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo; thanh tra, kiểm tra toàn diện các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật của Việt Nam và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm.
Cảm ơn những đề xuất từ phía Thứ trưởng, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishii Chikahisa thông tin, từ nay cho tới mùa thu, Hội đồng chuyên gia sẽ hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình Chính phủ Nhật Bản về những thay đổi của chương trình thực tập kỹ năng này. Sau khi nội dung sửa đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng được chính thức công bố, phía Nhật Bản vẫn mong muốn tiếp tục được lắng nghe ý kiến từ phía Bộ.
Ngoài ra, ông Ishii Chikahisa hy vọng hai bên sẽ thống nhất về kế hoạch để tổ chức các kỳ thi kỹ năng đặc định trong thời giam sớm nhất.
Nguồn: Báo Nhân Dân