ĐỔI ĐỜI NHỜ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Nhiều người lao động (NLĐ) ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên sau khi đi xuất khẩu lao động đã có cuộc sống sung túc hơn. Đặc biệt, nhờ được đào tạo nghề, phổ biến kiến thức pháp luật, văn hoá bản địa… nhiều lao động, đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động hơn nơi xứ người.
Thu nhập cao nhờ xuất khẩu lao động
Tính đến cuối năm 2022, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có 5.155 hộ nghèo; hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%. Một trong những định hướng để mở lối thoát nghèo cho người dân là tạo điều kiện thuận để họ tham gia xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Anh Trần Ngọc Sang (43 tuổi) ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng khi làm việc ở Hàn Quốc, sau nhiều năm tích góp, anh Sang đã có cuộc sống tốt hơn. “Hằng tháng tôi gửi tiền về nhà để tích góp, khi về nước gia đình có vốn để kinh doanh, cuộc sống ngày một khấm khá hơn” – anh Sang nói.
Ông Phạm Xuân Vinh – Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ – cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện có 20 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc và tiếp tục vận động tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả của việc lao động ở nước ngoài.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các địa phương tạo điều kiện cho gần 800 lao động đi xuất khẩu ở Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó có 101 lao động ở các huyện miền núi đã trúng tuyển và xuất cảnh, con số này tăng gấp 3 lần so với những năm trước.
Đào tạo nghề, phổ biến kiến thức pháp luật
Năm 2022, tỉnh Gia Lai có 1.010 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 394,5% so với năm 2021. Các huyện có số NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao gồm: Ia Grai, Chư Pưh, Chư Sê, Đức Cơ. Nguồn kinh phí hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số giảm bớt gánh nặng về chi phí.
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH tỉnh còn kết nối đào tạo nghề, phổ biến kiến thức về pháp luật, văn hoá bản địa, tiếng nước ngoài cho lao động trẻ, nhằm hạn chế hiện tượng lừa đảo, chèn ép, bóc lột công sức NLĐ…
Theo ông Nguyễn Hữu Tùng – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở LĐTBXH), ngoài việc tiếp tục tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, sở hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động để tạo nguồn đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai mở các sàn giao dịch việc làm, kết nối nguồn lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu. Các doanh nghiệp đăng ký phiên chợ cũng đảm bảo uy tín, có trách nhiệm với NLĐ trong bảo vệ quyền lợi, sớm phát hiện ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, lợi dụng NLĐ khi ở nước ngoài.
Tại Trường Cao đẳng Gia Lai, hằng năm tổ chức đào tạo nhiều lớp học nghề đa dạng như điện, cơ khí, chế tạo máy, sửa chữa ôtô, điện lạnh, hàn xì… cho hàng nghìn học viên. Lao động được dạy về văn hoá, giao lưu với các tổ chức Công đoàn để nhờ can thiệp, bảo vệ khi quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã mở được 114 lớp đào tạo nghề cho lao động với 4.157 học viên. Hầu hết lao động người đồng bào dân tộc thiểu số sau đào tạo đều vận dụng kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào cuộc sống và quá trình sản xuất.
Đặc biệt, trong những năm qua, Gia Lai luôn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với lao động nông thôn học nghề nên số lượng lao động người dân tộc thiểu số tham gia học nghề ngày càng đông (trên 90%). Có tay nghề, có kiến thức, các lao động trẻ mang lại thu nhập cao, ổn định đời sống cũng như bảo vệ được bản thân, quyền lợi chính đáng tại nơi làm việc.
Theo báo Lao Động