TP HỒ CHÍ MINH: NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập với các nước ngày càng sâu rộng, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần thúc đẩy công tác đối ngoại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa. Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần giải quyết vấn đề xã hội về lao động, việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực của nền kinh tế.
TP Hồ Chí Minh là một địa phương có tiềm năng lớn về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với nguồn cung lao động dồi dào, nhiều chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đó là tiềm năng để thành phố đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Thuận lợi và khó khăn trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 70 doanh nghiệp được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã đưa từ 10.000-14.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2020 cho đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, các nước hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài, do đó số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh. Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động khoảng từ 15 triệu đến 28 triệu đồng.
Người lao động được đào tạo về chuyên môn, ngoại ngữ; tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp trong quá trình lao động ở nước ngoài. Từ đó nâng cao được trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp; có nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, có thể tự tìm việc làm sau khi về nước.
Nhìn chung lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh. Ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc chủ sử dụng rất thích tuyển dụng lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh.
Cùng với những thuận lợi, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn như: chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhận thức về quan hệ chủ – thợ trong cơ chế thị trường chưa đầy đủ. Đặc biệt, tình trạng người lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc, vi phạm pháp luật nước sở tại đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập của nhiều người lao động và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các doanh nghiệp cũng như hình ảnh của đất nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển các thị trường mới, chưa có nguồn lao động trong nước hợp lý và chủ động, một số lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật dẫn đến phải làm những công việc đơn giản hoặc lao động phổ thông tại các nước tiếp nhận. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dẫn đến người lao động phải chịu nhiều chi phí để đi làm việc ở nước ngoài. Công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động chưa đạt yêu cầu, nội dung phổ biến chưa đầy đủ, không đúng sự thật. Một số doanh nghiệp tuyển chọn lao động qua trung gian, ủy quyền cho các chi nhánh, trung tâm thực hiện nên không kiểm soát được chất lượng lao động và không quản lý được việc thu tiền của người lao động. Một số lao động không nắm bắt thông tin, mong muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài mà không yêu cầu bất kỳ điều kiện về độ tuổi, trình chuyên môn, ngoại ngữ dẫn đến việc dễ bị các tổ chức, cá nhân hứa hẹn, thu tiền dịch vụ cao.
Đặc biệt, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sau khi về nước chưa được doanh nghiệp quan tâm, nhiều lao động chưa có việc làm ổn định sau khi trở về nước sinh sống dẫn đến kỹ năng làm việc, kiến thức, công nghệ mới được tiếp cận trong quá trình làm việc ở nước ngoài không được tận dụng.
Nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Để nâng cao năng lực cạnh tranh với lao động các nước khác đi làm việc ở nước ngoài, giữ gìn hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường truyền thống, xây dựng hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường mới, qua đó mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường lao động các nước, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm và hướng tới giải pháp quản lý và nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Lãnh đạo TP luôn nỗ lực tạo nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài nước thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo. Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến công tác đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ năng tay nghề để đưa đi làm việc ở nước ngoài; cần quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước mà cần có sự quan tâm của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là chương trình vay vốn ưu đãi cho người lao động, đào tạo tiếng, đào tạo nghề.
Cùng với đó, luôn tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm. Tuyển chọn những lao động thực sự có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, có ý thức chấp hành pháp luật, có tư cách phẩm chất đạo đức tốt, có đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật…
Phối hợp với các quận, huyện trong việc rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để kịp thời ngăn chặn tình trạng đưa người lao động ra nước ngoài thông qua các hình thức du lịch, du học để đi làm việc.
Đáng chú ý phải thực hiện cơ chế phối hợp đặc biệt để kết nối các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các trường nghề đề đào tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng có thể lựa chọn học sinh tốt nghiệp các trường nghề để tuyển chọn lao động có chuyên môn kỹ thuật, phù hợp yêu cầu của đối tác nước ngoài để hoàn chỉnh công tác tạo nguồn của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức của cơ quan chuyên môn về lao động cũng như sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể góp phần cung cấp thông tin đến các đối tượng, hội viên thuộc cấp mình quản lý. Đối với các doanh nghiệp, cần thông tin đúng, chính xác các điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, xây dựng thương hiệu uy tín cho đơn vị để tạo sự yên tâm cho người lao động khi tìm hiểu và đăng ký đi làm việc./.