NHẬT BẢN VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG ĐỨNG ĐẦU VỀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản trong 5 năm trở lại đây như sau: Năm 2018 là 68.737 người, năm 2019 là 82.703 người, năm 2020 là 38.891 năm 2021 là 19.510, năm 2022 là 67.295 người. Từ 1.1 đến 20.11.2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đạt 79.354 người.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.645 người, trong đó có 44.669 lao động nữ, đạt hơn 120% kế hoạch năm 2023 của lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh phía Bắc đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan khẳng định: Công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
“Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Trong đó, công tác thực hiện các chương trình phi lợi nhuận ngày càng đạt hiệu quả cao”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá.
Với Chương trình IM Japan, tính từ khi triển khai đến nay đã phái cử được gần 9.000 lượt thực tập sinh sang Nhật Bản. Giai đoạn năm 2017 đến năm 2023, phía Bắc đã có trên 1.500 thực tập sinh xuất cảnh (chiếm 41%). Trong thời gian làm việc, thực tập sinh được hưởng lương từ 130.000 – 170.000 Yên/tháng. Sau khi kết thúc thời gian thực tập, thực tập sinh sẽ được nhận khoản tiền khuyến khích sự nghiệp là 200.000 Yên/năm (thực tập 3 năm nhận 600.000 Yên; 5 năm nhận 1.000.000 Yên).
Mới đây, phía Nhật Bản đã đề xuất chương trình thực tập sinh mới cho lao động nước ngoài. Theo báo cáo của Ủy ban Chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản, chương trình thực tập sinh kỹ năng sẽ được đổi tên thành chương trình đào tạo lao động. Về cơ bản, phía Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài và đào tạo chuyên môn, kỹ thuật và cũng đòi hỏi người lao động nước ngoài phải đáp ứng điều kiện chuyên môn ở một mức độ nhất định như trong chăm sóc điều dưỡng, xây dựng và nông nghiệp.
Theo chương trình mới, người lao động sẽ được phép chuyển công ty, điều kiện là phải chuyển đến công ty có cùng lĩnh vực. Cùng với đó, người lao động phải làm việc ít nhất một năm và đạt được trình độ tiếng Nhật nhất định. Ngoài ra, để giảm áp lực chi phí cho người lao động muốn sang Nhật Bản làm việc, chương trình mới cũng yêu cầu phía tiếp nhận lao động phải chia sẻ một phần chi phí liên quan đến đi lại, ăn ở và đào tạo.
Chương trình mới được điều chỉnh, mang lại lợi ích lớn hơn cho người lao động nước ngoài. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản thu hút thêm được nhiều lao động để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nước.
Nguồn: Báo điện tử ĐBND