LAO ĐỘNG VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI MANG LỢI VỀ CHO ĐẤT NƯỚC TỪ 3,5-4 TỈ USD MỖI NĂM
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, riêng năm 2023, đã có 112.000 người Việt đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn lực lao động nước ngoài này trung bình một năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5–4 tỉ USD.
Sáng 8.11, Quốc hội tiếp tục chất vấn lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động.
Đồng thời cho biết kế hoạch đảm bảo xuất khẩu lao động một cách cơ cấu hợp lý để vừa một mặt đảm bảo quyền lợi của người dân, một mặt không làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nhân lực lao động tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu công nghiệp của các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết giải pháp để bố trí đủ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để đảm đương công tác này?
Nói về hướng sử dụng lao động sau khi đi lao động ở nước ngoài về nước và bảo đảm cân đối lực lượng lao động trong nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, theo tinh thần Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trung bình 1 năm có khoảng 120.000 đến 143.000 người đi lao động ở nước ngoài.
Trong đó riêng năm 2023, đã có 112.000 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Bộ trưởng Dung, nguồn lực lao động nước ngoài này trung bình một năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5–4 tỉ USD.
Để phát huy lực lượng lao động ở nước ngoài là vấn đề Chính phủ đã có chỉ đạo trong Nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng đã và đang thực hiện các giải pháp như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho đối tượng này.
Đồng thời kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể lao động ở các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phát huy được năng lực hoặc trường hợp lao động ở doanh nghiệp trong nước có thể sang doanh nghiệp nước ngoài. Tiếp đó có quy định bổ sung hình thức lao động ngắn hạn, thời vụ, theo mùa để khai thác được năng lực, sở trường của người lao động Việt Nam, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh và làm công xưởng.
Về quy mô lực lượng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong 1 năm chúng ta giải quyết 1,6 -1,7 triệu lao động trong nước, thì với số lượng lao động nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 10% (khoảng 140.000 người), đồng thời duy trì từ 500.000 – 650.000 người thường xuyên lao động và làm việc ở nước ngoài. Quy mô này là vừa phải.
Đồng thời căn cứ nhu cầu lao động trong nước để có cân đối, điều chỉnh số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tập trung lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn phù hợp để đảm bảo cơ cấu lao động trong nước. Do đó, việc tổ chức lao động đi nước ngoài làm việc sẽ giữ tỉ lệ phù hợp, không ảnh hưởng đến trong nước.
Về bố trí cán bộ chăm sóc trẻ em, bộ trưởng nhận định, tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Luật Bảo vệ trẻ em quy định rõ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 công chức cấp xã cho khối văn hóa xã hội như vậy riêng về công tác trẻ em sẽ không có chuyên trách.
Do đó, trong nhiệm vụ này cần đẩy mạnh tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, đoàn thể xã hội và đẩy mạnh quan tâm gia đình, nhà trường và xã hội. Việc bố trí riêng cán bộ ở thời điểm này là chưa thể. Thực tế ở nhiều địa phương có bố trí cán bộ bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.
Theo Báo Lao Động