Người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngoài được hỗ trợ đào tạo nghề, còn được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, tiền ăn ở, sinh hoạt… trong thời gian đào tạo.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Thông tư quy định rõ về hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài.

Hỗ trợ chi phí cho lao động ở miền núi đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam chuẩn bị sang làm việc tại Hàn Quốc

Theo đó, đối với người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nội dung và mức hỗ trợ gồm:

Hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề theo chi phí thực tế; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép…) mức 600.000 đồng/người;

Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo với mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên;

Người lao động còn được hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh; lệ phí làm thị thực (visa); chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người.

Về hình thức hỗ trợ, người lao động thuộc đối tượng trên được hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ hoặc người lao động đã hoàn thành khóa học từ trước đó thì thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài căn cứ các hóa đơn, chứng từ thực tế.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong 7 tháng của năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 người, đạt 77,48% kế hoạch năm 2023, (110.000 lao động) và gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái (7 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 46.578 người). Trong đó dẫn đầu là các thị trường Nhật Bản: 41.139 lao động, Đài Loan 36.956; Hàn Quốc 1.799; Trung Quốc: 1.024; Hungari: 802…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0943 56 57 88
Tư vấn