Trước cao điểm tuyển sinh vào mùa hè và thu 2023, các thị trường du học lớn đã đưa ra nhiều quy định mới mà du học sinh cần nắm rõ ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ.

Phụ huynh, học sinh gặp gỡ các đại diện đại học ở Mỹ trong ngày hội du học do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức cuối năm 2022  - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Phụ huynh, học sinh gặp gỡ các đại diện đại học ở Mỹ trong ngày hội du học do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức cuối năm 2022 – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cuối tháng 4-2023 vừa qua, Bộ Di trú Úc công bố bảng Mức độ xét duyệt (Assessment Levels) của các trường và quốc gia.

Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các nước xếp hạng Level 1. Nhờ đó, sinh viên có thể đăng ký xét tuyển tại hầu hết các trường ở Úc mà không cần phải nộp các giấy tờ liên quan về chứng chỉ tiếng Anh hoặc chứng minh tài chính.

Nơi nới lỏng, nơi siết chặt

Ông Lương Thanh Quang – quản lý tuyển sinh khu vực Mekong của Đại học Curtin (Úc) – cho rằng giờ đây các thủ tục giấy tờ mà sinh viên cần chuẩn bị khi du học Úc sẽ “nhẹ nhàng” hơn nhiều.

Việc xếp hạng mới được Chính phủ Úc đánh giá phần lớn dựa vào mức độ nghiêm túc và thành tích học tập của du học sinh Việt Nam đến Úc. Từ đó, họ mở rộng thêm những ưu tiên cho nguồn sinh viên tiềm năng này.

Ông Phạm Hoàng Phúc – giám đốc tuyển sinh tại Việt Nam của Tập đoàn giáo dục Kaplan (Úc) – cho biết một quy định mới quan trọng được Chính phủ Úc đưa ra là từ ngày 1-7-2023 tới đây, giới hạn số giờ làm thêm của sinh viên quốc tế trong thời gian theo học tiếp tục được nới lỏng.

Cụ thể, sinh viên được phép làm thêm 48 giờ/2 tuần, tăng thêm 8 giờ so với quy định 40 giờ/2 tuần trước đó. Bước đi này được đánh giá nhằm tăng thêm một sức hấp dẫn khác cho thị trường du học Úc bên cạnh các giá trị học tập.

Đức cũng mới đưa ra một số cập nhật đáng chú ý về điều kiện tuyển sinh du học sinh trong năm 2023. Hướng phổ biến để vào dự bị đại học ở Đức là xét điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bao gồm ba môn ngữ văn, toán, tiếng Anh và ba môn trong tổ hợp khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên. Những năm qua, điều kiện để được nhận là điểm trung bình các môn từ 6 trở lên, thì từ năm nay tăng lên 6,5 và không môn nào dưới 4.

Bà Trần Thị Út Anh Đào – giám đốc Công ty Eurolink Education – cho biết quy định mới được áp dụng khá bất ngờ khiến cho một số bạn không đạt chuẩn. Năm nay, cổng tuyển sinh của Đức áp dụng một số cải tiến nhằm siết chặt hiện tượng hồ sơ ảo.

Vì vậy ngoài lưu ý sự thay đổi về điểm số yêu cầu từ phía Đức, bà Đào cũng khuyên học sinh làm hồ sơ năm nay cần chuẩn bị các thông tin thật kỹ để tránh trường hợp mắc lỗi ngay ở khâu làm thủ tục.

Tăng học bổng để hút thí sinh

Ông Hien Nguyen – giám đốc vùng Việt Nam, Đại học Northern Arizona – cho biết về chính sách du học ở Mỹ nhìn chung không có gì thay đổi so với năm học 2022-2023.

Dù vậy, một điều đặc biệt dễ dàng nhận thấy là học kỳ này các trường đại học, trong đó có cả những trường lớn sẵn sàng chi rất nhiều học bổng dành cho sinh viên quốc tế.

Những suất học bổng này không chỉ có số lượng nhiều nhất trong những năm trở lại đây mà còn có giá trị “cực lớn”. Một số trường cấp học bổng giá trị từ 70 đến 80% học phí cho sinh viên quốc tế.

  • Đi 34 nước châu Âu trong 1 năm du học

Điều kiện để nhận các học bổng cũng không quá khắt khe, không chú trọng vào điểm SAT mà dựa nhiều vào quá trình học tập, hoạt động ở bậc phổ thông cũng như phần thể hiện trong lúc phỏng vấn trực tiếp với đại diện trường.

Ông Hien Nguyen cho rằng một trong những lý do nhiều đại học của Mỹ nhanh chóng đưa ra những hỗ trợ tài chính bởi họ có phần lo ngại xu hướng chững lại về kinh tế ở một số nơi có thể khiến phụ huynh cân nhắc hơn khi cho con du học.

Vì vậy, nếu có thêm những kênh hỗ trợ học phí, phụ huynh sẽ an tâm hơn và tạo được lợi thế cho các trường thu hút thí sinh trong giai đoạn này.

Tương tự ở Nhật, một nguyên chủ tịch của Hội Sinh viên Thanh niên Việt Nam tại Nhật cho biết thời gian gần đây, nhiều cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục ở Nhật gia tăng các suất học bổng khuyến khích sinh viên quốc tế, bao gồm Việt Nam đến theo học.

Hiện tại, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Nhật vẫn chưa thể bằng con số trước dịch COVID-19. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước này vẫn rất cần nguồn lao động từ nước ngoài, vì thế các suất học bổng vừa là cách để các bên liên quan “kích cầu” cả du học sinh lẫn lực lượng lao động trong tương lai.

Xu hướng “du học nghề nghiệp”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ở Việt Nam của một tổ chức giáo dục lớn tại Canada cho biết trong tình hình kinh tế khó khăn, một xu hướng du học được dự báo sẽ nổi lên trong thời gian tới là “du học nghề nghiệp”.

Đối tượng chính sẽ là những người bị ảnh hưởng công việc do kinh tế khó khăn và có mong muốn chuyển việc hoặc chuyển đến làm ở những quốc gia có mức thu nhập cao hơn. Những người này sẽ chọn cách bỏ ra một khoản đầu tư đi du học nước ngoài rồi ở lại làm việc.

Theo vị này, hai quốc gia dự báo sẽ dẫn đầu trong xu hướng này là Canada và Úc, những nước hiện cũng rất cần lao động trình độ cao và có các chính sách khá thoáng về lao động và nhập cư.

Không cắt giảm khoản đầu tư du học

Nhìn ở bức tranh rộng hơn về sự tác động của tình hình kinh tế hiện nay và tâm lý du học, ông Hien Nguyen cho rằng các phụ huynh Việt Nam từ trước đến nay luôn chú trọng đầu tư giáo dục cho con.

Khi đã lên kế hoạch, họ thường chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài và có nguồn dự trữ tiền bạc hẳn hoi, do vậy không chịu tác động nhiều lắm bởi tình hình kinh tế hiện nay. Nhất là với những gia đình có tiềm lực tài chính mạnh họ vẫn không ngần ngại đầu tư cho con một suất du học ở Mỹ.

Thậm chí với những gia đình đang buộc phải cắt giảm những khoản chi, họ vẫn quyết định giữ lại phần đầu tư du học cho con bởi xem khoản này là thiết yếu.

コメントを残す

メールアドレスが公開されることはありません。 が付いている欄は必須項目です

0943 56 57 88
Tư vấn