Nhiều bạn đọc lên tiếng cảnh báo người lao động, nhất là các bạn sinh viên đừng tin vào những lời mời gọi ‘việc nhẹ lương cao’ mà sập bẫy kẻ xấu.
Như Thanh Niên thông tin, Công an TP.HCM ra cảnh báo sinh viên tìm việc làm dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cẩn trọng với bẫy “việc nhẹ, lương cao” rồi bị lừa bán sang Campuchia. Công an TP.HCM cho biết mới đây một số trường đại học trên địa bàn TP đã đưa ra cảnh báo với sinh viên về nguy cơ bị “bắt cóc” khi tìm việc. Việc cảnh báo xuất phát từ câu chuyện của sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Tiếp nhận thông tin từ sinh viên trường bị lừa đảo tuyển dụng làm việc tại kho hàng của một sàn thương mại điện tử lớn ở Long An. Các đường link đăng ký việc làm, phỏng vấn và email xác nhận đều giả danh, nhưng rất khó phân biệt là thật hay giả. Sau đó, sinh viên này đã bị “bắt cóc” đưa sang nước ngoài để cưỡng ép lao động và tống tiền nhưng may mắn trốn thoát. Từ đó, Công an TP.HCM cảnh báo sinh viên cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ về lịch sử và hoạt động pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn. Qua đó, phòng chống các loại tội phạm bắt cóc, buôn bán người.
Trước đó, Phòng công tác sinh viên của một trường đại học trên địa bàn TP.HCM cảnh báo với các sinh viên: “Hiện nay, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều sinh viên, hàng loạt thông tin tuyển dụng lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội với thông tin dày đặc. Những thông tin tuyển dụng đăng trên các trang mạng xã hội này đánh trúng tâm lý khát khao tìm kiếm việc làm của các sinh viên nhưng thực chất đây chỉ là những bẫy lừa đảo sinh viên theo hình thức mới”.
Bỏ ngay tư tưởng “ngồi mát ăn bát vàng”
Trước tình trạng nở rộ các lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao”, nhất là dịp cuối năm, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên lên tiếng cảnh báo người dân nên cảnh giác.
“Đánh vào tâm lý người lao động, nhất là sinh viên cần việc dịp cuối năm, bọn bất lương tăng cường giăng bẫy “việc nhẹ, lương cao”. Nhẹ thì mất tiền, mất tài sản, mất thời gian, nặng thì bị bọn chúng dụ dỗ bán thẳng qua Campuchia không có ngày trở về. Người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các “chiêu trò” việc nhẹ, lương cao qua mạng xã hội”, BĐ Kim Tân lưu ý.
Cùng quan điểm, BĐ Đặng Lâm cho rằng mọi người nên thực tế đừng ảo tưởng với suy nghĩ “việc nhẹ, lương cao” vì nghề nào cũng phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới kiếm được đồng tiền. “Thời đại nào rồi mà còn tin vào những lời hứa “việc nhẹ lương cao” đó. Đặc biệt là với các bạn sinh viên, những người có tri thức thì tinh thần cảnh giác phải cao hơn. Đừng dại dột tin vào những lời hứa viển vông đó để rồi phải đón nhận những hậu quả về sau”, BĐ này lưu ý thêm.
Còn BĐ Hiền Vũ viết: “Những ngày cuối năm, bọn xấu thường lợi dụng tâm lý muốn có việc làm tăng thu nhập để lừa đảo. Nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ trở thành miếng mồi ngon cho bọn này. Vậy nên cần phải tỉnh táo trước mọi lời mời gọi, bỏ ngay tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng đi”.
“Mức thu nhập bạn có sẽ tương xứng với giá trị bạn mang lại trong công việc. Thay vì trông chờ vào việc nhẹ, lương cao, tại sao không dành thời gian nâng cấp giá trị bản thân để nhận lấy những mức thu nhập đúng với kỳ vọng”, BĐ Minh Thư thẳng thắn.
Tuyệt đối không tin các lời rao có cánh
Hoan nghênh lực lượng công an đưa ra cảnh báo, tuy nhiên BĐ Hồng Linh cũng mong mỏi: “Song song đó các cơ quan chức năng cũng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ truy quét, xử lý nghiêm bọn xấu này, đưa chúng ra trước pháp luật trừng trị”.
Tương tự, BĐ Lê Thắng ý kiến: “Những trường hợp lợi dụng lòng tin của người khác như thế này cần phải xử lý nghiêm. Trong công cuộc phòng chống những kẻ lừa đảo, người dân đóng một vai trò quan trọng. Thay vì im lặng, chúng ta phải lên tiếng tố giác, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý những trường hợp vi phạm này. Và các bạn trẻ cũng hãy luyện cho mình thói quen tự thân vận động, thay vì tin vào những lời hứa viển vông”.
“Phải công nhận rằng bây giờ thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, đặc biệt là bọn xấu luôn đánh vào tâm lý mong muốn có việc làm kiếm thêm thu nhập của người dân, nhất là thời điểm cận tết. Tôi cho rằng trách nhiệm xử lý những nhóm tội phạm này không chỉ đến từ cơ quan chức năng mà còn từ chính mỗi cá nhân. Phải tự cảnh giác và tố giác nếu như gặp phải kẻ xấu”, BĐ Mạnh Lâm góp ý.